Thác Tà Gụ và truyền thuyết "Voi mẹ khóc chờ con"

Thác Tà Gụ là một trong những thác nước đẹp nhất của tỉnh Khánh Hòa, được nhiều du khách yêu thích, nổi tiếng với truyền thuyết "Voi mẹ khóc chờ con".

Thác Tà Gụ, Khánh Sơn nằm ở đâu?

Thác Tà Gụ hay còn gọi là thác Ngà Voi, là một trong những thác nước đẹp nhất của huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Vài năm trở lại đây, thác Tà Gụ đã trở thành địa điểm du lịch được nhiều bạn trẻ thích "xê dịch" tìm đến. Không khí nơi đây trong lành, mát mẻ, thấm đãm mùi hương của núi rừng.

Thác Tà Gụ hay còn gọi là thác Ngà Voi, là một trong những thác nước đẹp nhất của huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa

Theo chia sẻ của bà con địa phương, thác Tà Gụ bắt nguồn từ đỉnh Hòn Bà, là nơi có độ cao 1.300 m so với mực nước biển. Thác Tà Gụ chảy xuống nhập vào sông Tô Hạp, là con sống chính của tỉnh Khánh Hòa. Thác Tà Gụ hầu như không bao giờ cạn, chảy cuồn cuộn quanh năm, nhìn từ xa tựa như chiếc ngà voi trắng xóa. Từ trên độ cao 40m, thác nước trắng xóa đổ ầm ầm xuống hồ, tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ nằm trong lòng cánh rừng nguyên sinh.

Vẻ dẹp của thác Tà Gụ biến đổi khôn lường, khi thì e ấp dịu dàng như nàng thơ, khi lại dồn dập, sôi nổi. Đứng ở đỉnh thác, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh núi rừng xanh ngát, nhấp nhô trùng điệp, hoà quyện với mây trời. Từ dưới chân thác nhìn lên, cảnh vật nhìn thật thơ mộng, trữ tình.

Truyền thuyết "Voi mẹ khóc chờ con" ở thác Tà Gụ

Có nhiều truyền thuyết thú vị xung quanh dòng thác hùng vĩ này, trong đó có câu chuyện về "Voi mẹ khóc chờ con" rất nổi tiếng. Truyền thuyết này kể rằng:

Truyền thuyết "Voi mẹ khóc chờ con" ở thác Tà Gụ

Ngày xưa khu rừng này có rất nhiều trăn, có con to như cây Tô Hạp 100 tuổi. Một buổi sáng mùa khô, một bầy trăn từ dưới chân núi bò lên đỉnh kiếm mồi. Trên đường đi, chúng gặp một chú voi con lạc mẹ đứng ngơ ngác. Ngay lập tức, con trăn đầu đàn lao đến quật ngã con voi, định nuốt chửng. Nào ngờ, không chịu kém thế, voi con cũng dùng hết sức bình sinh sức quật lại. Cả hai con vật nhau, vùng vẫy làm gãy nát cây cối, cuối cùng đều rơi xuống vực thẳm.

Một lúc sau, voi mẹ quay lại tìm thì thấy con mình đã chết dưới vực sâu. Thương con, voi mẹ đứng trên đỉnh núi cao khóc than suốt đêm ngày, đến ngày nọ thì bỗng hóa đá, hai dòng nước mắt mẹ voi cũng hóa thành hai dòng thác. Từ phía chân thác nhìn lên, ngọn thác tựa như chiếc ngà voi hướng thẳng lên trời xanh. Vì thế, thác này còn được gọi là thác Ngà Voi, sau hòa với suối Tà Gụ nên đổi thành thác Tà Gụ.

Ngoài ra, còn một truyền thuyết khác về thác Tà Gụ như sau: Vì say mê khung cảnh thiên nhiên thơ mộng ở nơi đây, những nàng tiên trên trời đã hạ phàm để vui đùa, xoã tóc gội đầu bên con suối. Thế nhưng, do quá mải chơi, nàng tiên Út đã quên mất giờ trở về. Đến khi về thì cổng trời đã đóng, nàng đành phải ở trần gian mãi mãi. Không chịu được nỗi nhớ quê nhà, cuối cùng nàng đã hoá thành dòng thác.

Đi đến thác Tà Gụ như thế nào?

Thác Tà Gụ nằm tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 100km

Thác Tà Gụ nằm tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 100km. Bạn có thể lựa chọn đi bằng xe máy để thỏa thích vừa đi vừa ngắm cảnh, hoặc thuê ô tô hay gọi taxi. Nếu đi bằng taxi, bạn nên dừng chân ở trung tâm xã Sơn Hiệp, sau đó hỏi đường đi khoảng 200m nữa là tới.

Thác Tà gụ không chỉ "đốn tim" các phượt thủ ở vẻ đẹp hùng vĩ, mà còn ở hành trình chinh phục ngọn thác gian lao. Để đến được đây, bạn sẽ cần đi một đoạn đường khoảng 200m, vượt qua nhiều tảng đá lớn nhỏ với những đoạn suối trơn trượt. Thế nhưng, chỉ cần đặt chân tới nơi có thác nước, mọi mệt mỏi bỗng chốc tan thành mây khói.

Cần lưu ý, xung quanh thác Tà Gụ không có quán xá, nhà hàng gì cả, nên du khách cần tự chuẩn bị. Nếu định ở lâu, cần chuẩn bị cả thức ăn, nước uống, nếu không thì tối thiểu cần có thuốc chống côn trùng đốt, dụng cụ sửa xe chuyên dụng. Nếu có mang theo đồ đạc, nhất là đồ điện tử thì phải cẩn thận bọc lại để tránh bị ướt.

Mùa khô ở nơi đây bắt đầu từ tháng 1 - tháng 8, còn lại là mùa mưa. Đặc biệt, vào mùa mưa, thác Tà Gụ sẽ đẹp hơn, nhưng cũng vì thế mà đường đi khó hơn. Với những du khách không quen đi camping, trekking, chỉ nên đi mùa nắng, xuất phát sớm từ 5h sáng và quay về trước 4h chiều.

Tổng hợp

Xem thêm: Ghé thăm huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa: Điểm đến du lịch hấp dẫn được ví như "Đà Lạt thứ hai"