Golf là bộ môn thể thao giải trí cao cấp đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Golf khá kén người chơi bởi lẽ đây là bộ môn khó học và có nhiều thuật ngữ phức tạp. Nếu đang có ý định gia nhập môn thể thao “quý tộc” này, bạn cần biết: có bao nhiêu loại hình sân golf? Đặc điểm của chúng là gì?
Có bao nhiêu loại hình sân golf?
Ngay từ loại hình sân golf thôi cũng đã có hàng chục loại. Mỗi loại sân golf lại có những đặc điểm khác nhau. Căn cứ vào những đặc điểm này mọi người có thể chọn được cho mình những loại sân phù hợp với trình độ cũng như mục đích.
Có nhiều cách để giới golfer phân loại các sân golf, điển hình là dựa trên các yếu tố sau:
Phân loại theo quyền hạn tham gia
– Public course (Sân golf công cộng): Đây là loại sân ai cũng có thể tham gia chơi và thi đấu.
– Semi-private course (Sân golf bán tư nhân): Sân kết hợp giữa hình thức hội viên và khách vãng lai.
– Private course (Sân golf tư nhân): Sân dành cho các hội viên và khách của hội viên, có phí hội viên cao. Ngoài những tiện ích của một sân golf đẳng cấp, sân private còn đặc biệt được đảm bảo quyền riêng tư và an toàn cho các thành viên.
– Resort course (Sân golf nghỉ dưỡng): Theo đúng tên gọi, loại sân này kết hợp giữa sân chơi golf và khu nghỉ dưỡng.
Phân loại theo kích thước và độ dài
– Sân 18 lỗ: Đây là loại sân chuẩn mực nhất và thường có độ dài đa dạng, phụ thuộc vào các hố par 3, 4, 5 và độ dài tương ứng của chúng. Tổng chiều dài sân tối thiểu là 5200 yard, par 66.
– Sân 9 lỗ: Có kích thước nhỏ hơn đáng kể so với sân 18 lỗ tuy nhiên loại sân này vẫn có đủ các hố tiêu chuẩn par 3, 4, 5 với đúng chiều dài được quy định.
– Sân thực hành: Loại sân có 9 lỗ, kích thước khá tương đồng với loại sân 9 lỗ; được thiết kế có nhiều hố chuẩn par 3 và một vài hố par 4, 5.
– Sân par 3: Được thiết kế có 9 lỗ và nhiều hỗ chuẩn par 3, loại sân này thích hợp với những người mới chơi và đang làm quen với các cú bóng ngắn.
– Sân tiếp cận: Khá giống với sân par 3 những độ dài ở các hố sẽ ngắn hơn, loại sân này phù hợp với những người đang tập chipping và pitching.
Phân loại theo yếu tố địa hình và môi trường
– Sân golf gò cát (Links course)
– Sân golf công viên (Parkland course)
– Sân golf sa mạc (Desert course)
– Sân golf cổ (Heath-land course)
6 loại hình sân golf phổ biến nhất thế giới là gì?
1. Links course – sân golf gò cát
Sân dạng ‘links’ còn có tên gọi là sân gò cát hay sân ven biển. Đây là loại hình sân golf phổ biến và lâu đời nhất. Thuật ngữ Links course bắt nguồn từ tiếng Anh cổ. Trong đó, “hlinc” là từ dùng dể chỉ những vùng cồn cát chạy dọc theo bờ biển.
Đất ở những vùng này không hợp để canh tác nông nghiệp nhưng lại là môi trường lí tưởng cho các loại cỏ bản địa phát triển, tạo thành một thảm cỏ chất lượng. Do đó, người ta bắt đầu tìm kiếm một phương thức khai thác hiệu quả hơn: xây dựng sân golf.
Đặc trưng riêng của những sân này là nằm gần bờ biển với nhiều đụn cát, những dải nhấp nhô. Hơn nữa, gió biển lớn quanh năm là “đặc sản” chính, tạo nên độ thách thức cho một sân links.
Các sân golf links course “chuẩn” nhất chủ yếu nằm ở Scotland, Ireland và Anh, tiêu biểu có thể kể đến như Old Course tại St. Andrews, Royal Troon, Lahinch G.C hay Royal Country Down G.C,...
2. Parkland course – sân golf công viên
Nếu là “một fan cứng” của các giải đấu PGA Tour, chắc chắn bạn sẽ thấy Parkland course rất quen thuộc. Sở dĩ có tên gọi này vì chúng có phong cảnh và mang lại cảm giác khiến bạn cảm thấy như đang chơi golf trong công viên.
Khác với links course, các sân golf công viên được xây dựng trong đất liền, cách xa biển. Do vậy, sân parkland thường có rất nhiều cây cối, hoa lá và thảm cỏ xanh tươi tựa như những “khu vườn xinh đẹp”.
Vì không có nhiều địa hình nhấp nhô tự nhiên nên các nhà thiết kế phải tạo ra các cảnh quan nhân tạo như bunker đào sâu, ao hồ, các khu cỏ rough,... để sân golf công viên có thêm sự hấp dẫn và độ thách thức.
Parkland course không quá đa dạng về địa hình. Do đó, các nhà thiết kế phải thực hiện nhiều công việc hơn để tăng thêm thử thách và sức hấp dẫn cho sân, với đầy đủ bẫy cát, hồ nước. Augusta National có thể được coi là sân golf công viên nổi tiếng nhất trên thế giới.
3. Health-land course – sân golf cổ
Cách đơn giản nhất để hiểu về sân health-land là thông qua định nghĩa của từ “health. Từ này dùng đẻ chỉ một khu vực đất trống chưa trồng trọt, chủ yếu là ở Anh, với thảm thực vật đặc trưng là cây thạch anh, kim tước và cỏ thô màu sắc sặc sỡ.
Cũng là một sân golf nằm sâu trong đất liền nhưng Heathland course có độ mở hơn một chút so với Parkland course. Chúng có phong cách khá giống với các links với nhiều vùng cát tự nhiên, đất ít dinh dưỡng, địa hình nhấp nhô.
Hầu hết dạng sân này được tìm thấy ở “nội địa” Anh, bao gồm Woking G.C, Sunningdale G.C và Alwoodley G.C.
4. Sandbelt course
Khu vực bãi cát nằm ở phía đông nam thành phố Melbourne, Úc là nơi có những sân golf được yêu thích nhất thế giới. Một trận lụt thời tiền sử đã để lại những khu vực trũng thấp với hố cát có độ sâu có thể đến 80m cho vùng này.
Sandbelt course đặc trưng bởi các bẫy cát cao và sâu cũng như dốc đứng xung quanh khu vực green. Loại đất cát ở Sandbelt là địa hình hoàn hảo tạo nên các sân golf tuyệt vời như Royal Melbourne Golf Club, Kingston Health Golf Club hay Metropolitan Golf Club.
5. Stadium/Championship course
Hai thuật ngữ “Stadium” (sân vận động) và “Championship” (giải vô địch) thường đi cùng nhau để chỉ những sân được thiết kế nhằm mục đích thi đấu. Đây là những sân golf được thiết kế chuyên để tổ chức các giải đấu có quy mô lớn.
Nếu championship course dài hơn và tạo nên nhiều khó khăn cho người chơi chuyên nghiệp thì stadium course được thiết kế tập trung vào khán giả. Điển hình phải kể đến sân ở tổ hợp TPC Sawgrass.
Người hâm mộ khi vào sân sẽ được theo dõi các golfer từ những khu gò cao có tầm nhìn quang đãng. Các hố golf của sân chạy song song với nhau nhưng sẽ quy tụ tại một chốt trung tâm là Clubhouse. Nhờ vậy, khán giả có thể xem được nhiều hố cùng lúc mà không cần di chuyển xa.
6. Par-3 course
Chơi golf ở các sân par-3 thường vô cùng thú vị và phù hợp với cả những người mới bắt đầu chơi, trẻ em hoặc người có tuổi. Các sân loại này thường chiếm diện tích nhỏ hơn cho nên chi phí xây dựng cũng rẻ hơn và thân thiện với môi trường.
Một số câu lạc bộ như Augusta National còn mở thêm các sân par-3 bên cạnh các sân 18 hố truyền thống. Ngoài ra, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng đưa các sân ngắn này vào hệ thống như Sand Valley (The Sandbox), Pinehurst (The Cradle), Bandon Dunes (The Preserve). Có nhiều sân golf par-3 vô cùng ấn tượng ở Mỹ, trong đó có sân Palm Beach tuyệt đẹp.
Hi vọng với những thông tin về 6 loại hình sân golf phổ biến nhất thế giới này, bạn sẽ có được những lựa chọn phù hợp nhất với khả năng và điều kiện của bản thân.
Xem thêm: Điểm danh những quốc gia ưa chuộng golf nhất thế giới